Lịch sử Thủy Xá - Hỏa Xá

Theo kí thuật của tác gia Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục:

Hai vị Thủy Vương và Hỏa Vương nước Nam Bàn, nước này có 50 làng lệ thuộc, trong đó có núi Bà Nam. Núi rất cao và lớn, làm trấn sơn cho một phương.Thủy Vương ở về phía đông núi Bà Nam, còn Hỏa Vương ở về phía tây núi, có địa phận riêng và làm nhà gác bằng gỗ để ở, bộ hạ có đến mấy trăm người.Khi vua đi đâu thường cưỡi voi, có hơn chục người tùy tùng đi theo, đến làng nào thì đánh ba hồi chuông, dân làng đều ra, họ làm một cái lều tranh cho vua ở (vì kiêng không vào nhà dân). Họ dâng lên vua những thứ như: nồi đồng, tấm vải trắng, hoặc một cây mía, một nải chuối chẳng hạn. Vua cứ việc nhận lấy các lễ vật ấy không nề hà gì. Thu nhận lễ vật cũng không ghi chép gì, xong thì nhà vua đi.Hải Vương mặt đen và xấu nhưng vợ và thiếp thì người nào cũng có nhan sắc đẹp đẽ, họ đều bận xiêm áo của Chiêm Thành có xiêm hoa rực rỡ.

Thủy Xá và Hỏa Xá ở hai địa điểm khác nhau[1]: xã Chư A Thai, huyện Ayun Pa (phía Nam tỉnh Gia Lai) và xã Ia Lốp[2], huyện Ea Súp (phía tây bắc tỉnh Đắk Lắk). Mỗi ông có tầm ảnh hưởng trong một vùng và không được gặp nhau, nếu không sẽ phải một mất một còn[1]. Nếu đúng như ghi chép của Lê Quý Đôn thì Thủy Xá ở xã Chư A Thai (phía đông) còn Hỏa Xá ở Ia Lốp (phía Tây). Tuy nhiên chưa có sự phân định rõ ràng, các tiểu vương này khi thì tự nhận là vua Nước, khi thì tự nhận là vua Lửa[1].

Thủy Xá và Hỏa Xá đều thuộc dòng họ Siu và chỉ được phép lấy vợ thuộc dòng họ R'com H'Bia (R'com là họ, chứ không phải cô nàng. R'com là một loại cây có lá giống lá cây dâm bụt. Xưa kia, người Jrai không có họ. Mẹ sinh ra dưới gốc cây R'com thì đứa bé ấy mang họ R'com). Họ có ảnh hưởng lớn trong cộng đồng Jrai và khu vực lân cận nhưng không trực tiếp nắm quyền hành thế tục và phải tuân thủ một số tục lệ kiêng cữ. Đây được coi là một dạng tù trưởng của một hình thức nhà nước sơ khai, cách đây không lâu còn thấy ở một số liên minh bộ lạc châu Phi và nam Ấn Độ[1].

Ngoài ra tại xã Chư A Thai còn có vua Gió (pơtao Angin), ra đời muộn hơn hai vua trên[1].